Tết nguyên đán là gì ? Ý nghĩa của Tết Nguyên Đán

Tết nguyên đán là gì – câu hỏi tưởng chừng như quá đỗi đơn giản, nhưng lại không mấy người trả lời chính xác. Chúng ta đã quá quen thuộc với việc chào đón Tết nguyên đán mỗi năm, ai nấy cũng xốn xang chuẩn bị quà tết, món ăn hay lên sẵn các địa chỉ vui chơi giải trí trong những ngày nghỉ dài này. Ấy vậy “Tết nguyên đán là gì” lại trở thành câu hỏi “không dễ dàng chút nào” với rất nhiều người.

Cả nước đang vào giai đoạn của những tháng cuối năm, tết Nguyên Đán đang đến rất gần kề. Nhắc đến tết chắc hẳn tâm trạng trong mỗi chúng ta đều háo hức, rạo rực. Đâu chỉ có trẻ em mới mong chờ đến tết, mà ngay cả những người lớn đặc biệt là người cao tuổi đều đón chờ dịp lễ lớn nhất trong năm này.

Bạn đã trải qua bao nhiêu lần “Tết nguyên đán” trong cuộc đời, nhưng có bao giờ tự hỏi: Tết nguyên đán có nguồn gốc từ đâu? Ý nghĩa của nó như thế nào? Hay đơn giản hơn là Tết nguyên đán là gì?… Không chỉ riêng bạn, mà rất nhiều bạn trẻ hiện nay cũng không hiểu rõ định nghĩa và bản chất của Tết nguyên đán là gì? Để giúp bạn hiểu rõ hơn vấn đề này, bài viết dưới đây, Thủ Đô Hà Nội sẽ chia sẻ những thông tin “thú vị” nhất về Tết nguyên đán mà bấy lâu nay bạn đã bỏ qua.

Tết nguyên đán là gì
Tết nguyên đán là gì

Tết Nguyên Đán là gì?

Tết Nguyên Đán là dịp lễ cổ truyền lớn và quan trọng nhất của người Việt. Đó là thời khắc chuyển giao giữa năm mới và năm cũ, là dịp để mọi thành viên trong gia đình sum họp, quây quần bên nhau.

Tết Nguyên Đán hay còn được gọi là tết Âm Lịch kéo dài từ 7 ngày cuối cùng của năm cũ đến 7 ngày đầu tiên của năm mới. Như vậy, tết Nguyên Đán diễn ra từ ngày 23 tháng Chạp (ngày 23 tháng 12 âm lịch) đến hết ngày mùng 7 tháng Giêng (ngày 7 tháng 1 âm lịch).

Khác với lịch dương mà chúng ta vẫn thường sử dụng hằng ngày, lịch âm là một loại lịch riêng của người Á Đông, tính theo chu kỳ vận hành của mặt trăng. Tết Nguyên Đán của Việt Nam diễn ra trong khoảng thời gian giữa tháng 1 đến giữa tháng 2 Dưong lịch, chủ yếu là từ ngày 21 tháng 1 đến ngày 19 tháng 2.

Không chỉ có ở Việt Nam, mà ở Trung Quốc, Nhật Bản, Hàn Quốc, Triều Tiên, Singapore và một số nước châu Á khác đều có tết Nguyên Đán. Tuy nhiên lại không diễn ra cùng một thời điểm mà thường chênh nhau ít ngày do lệch múi giờ. Mỗi quốc gia có nền văn hoá khác nhau nên phong tục, đặc trưng ngày tết cũng có sự khác biệt.

Theo quan niệm của người Việt tết Nguyên Đán là thời điểm chuyển giao đất trời, vạn vật, Thiên – Địa – Nhân hòa nhập làm một. Chữ “tết” là cách đọc lái đi của “tiết”, nghĩ là khoảng thời gian. Còn chữ “Nguyên” trong tiếng Hán Nôm tượng trưng cho sự khởi đầu, bắt đầu. “Đán” là buổi sáng sớm, bình minh. Tết Nguyên Đán là khoảng thời gian bắt đầu một năm mới, là sự khởi đầu mới mẻ, tràn đầy sức sống.

Tết Nguyên Đán là một phần không thể thiếu trong văn hoá, tinh thần của dân tộc Việt vì thế nó còn được gọi với cái tên đầy thân thương, gần gũi là “Tết Ta” để phân biệt với “Tết Tây” chính là tết dương lịch.

Ý nghĩa của Tết Nguyên Đán

Ý nghĩa linh thiêng nhất của tết Nguyên Đán chính là sự đoàn viên. Mỗi khi Tết đến, dù làm bất cứ nghề gì, ở bất cứ nơi đâu đều mong được trở về sum họp dưới mái ấm gia đình trong 3 ngày Tết, tưởng nhớ đến ông bà tổ tiên đã khuất.

Đây cũng là cơ hội để chúng ta thay đổi những điều chưa tốt trong năm cũ, đặt ra mục tiêu, kỳ vọng cho năm mới. Đồng thời làm mới lại bản thân, cải thiện tinh thần, và gắn kết tình cảm của các thành viên trong gia đình.

Phong tục của ngày Tết Nguyên đán là gì?

Chúc tết người thân, bạn bè trong dịp Tết nguyên đán

Tại Việt Nam hầu hết mọi người được nghỉ khoảng 1 tuần để đón tết Nguyên Đán. Đây cũng là kỳ nghỉ dài nhất trong năm. Trước tết sẽ là khoảng thời gian dọn dẹp, sửa sang nhà cửa sao cho sạch sẽ và trang hoàng nhất. Khi sang năm mới, đó là khoảng thời gian dành cho bố mẹ, ông bà và bạn bè.

Từ xưa đã có câu “mùng 1 Tết cha, mùng 2 Tết mẹ, mùng 3 Tết thầy”. Vì vậy ngày mùng 1 đầu năm sẽ đến thăm họ hàng gia đình bên nội, mùng 2 là bên ngoại và mùng 3 là là dành cho thầy cô, bạn bè.

Một tập tục khá thú vị nữa đó là lì xì đầu năm cho trẻ nhỏ. Những phong bao nhỏ xinh màu đỏ, bên trong là chút tiền lẻ may mắn như lời chúc sức khoẻ, bình an, hay ăn chóng lớn, học giỏi mà người lớn dành cho lũ trẻ.

Ẩm thực trong ngày Tết Nguyên Đán

Đặc của tết Nguyên Đán tại Việt Nam là những món ăn hấp dẫn, đặc biệt. Trước đây chỉ khi đến tết mọi nhà mới chuẩn bị và nấu những món ăn này. Giờ đây chúng được bán quanh năm, không nhất thiết phải tự tay làm mà có thể mua được ở bất cứ đâu, trong chợ, siêu thị, các cửa hàng thực phẩm đều có cả.

Tuy nhiên những đồ ăn này khi ăn đúng dịp tết nguyên đán sẽ có hương vị và cảm giác thú vị, khác lạ hơn ngày thường rất nhiều. Giữa các vùng miền, mâm cỗ ngày tết có rất nhiều sự khác biệt về nguyên liệu, màu sắc lẫn khẩu vị.

Giống như tính cách nhẹ nhàng, khéo léo của người miền Bắc, mâm cỗ có rất nhiều món, đầy các món từ món khô đến món nước, hấp, chiên, xào đều đủ cả. Những món ăn truyền thống phổ biến trong dịp tết Nguyên Đán của người Hà Nội có thể kể đến như: xôi gấc, giò lụa, thịt gà luộc, nem rán, thịt đông, bánh chưng, canh măng, miến nấu cùng nước luộc gà, nộm,… và quan trọng nhất là bánh chưng.

Nếu như người Bắc có bánh chưng trong dịp Tết nguyên đán, thì người Nam sẽ có bánh tét trong những ngày này. Nguyên liệu để làm ra 2 loại bánh tương đối giống nhau, nhưng lại có sự khác biệt về hình dáng bên ngoài và tỷ lệ thành phần nguyên liệu. Bánh chưng có hình vuông, còn bánh tét có hình tròn, tượng trưng cho bầu trời và mặt đất. Trong bữa ăn tết người miền Nam có thêm thịt kho hột vịt, canh khổ qua, cá lóc nướng, giò heo hầm,…

Dù cuộc sống có hiện đại, thay đổi ra sao thì tết Nguyên Đán đã ăn sâu vào tiềm thức của từng người dân Việt Nam, là nét văn hoá truyền thống không bao giờ có thể mất đi. Mặc dù tết Nguyên Đán ngày nay đã có nhiều cải biên đi so với tết cổ truyền xưa kia, mọi thứ đã được đơn giản hóa rất nhiều, nhưng những đặc trưng thì vẫn được duy trì mãi mãi.

Nếu biết được Tết nguyên đán là gì, chắc chắn bạn sẽ thấy nó cao quý và tình cảm đến nhường nào. Tết là gì mà khiến cho bao người xốn xang và sầu lắng. Dù ở xa đến mấy, mọi người cũng chỉ mong muốn về bên gia đình của mình, cùng thưởng thức những món ăn truyền thống, trò chuyện vui vẻ hay chỉ đơn giản là ngồi bên nhau để thưởng thức ngày Tết quê hương.

Bài viết liên quan