Các món ăn vặt mùa Đông cực ngon
Danh sách các món ăn vặt mùa Đông ăn ấm nóng trong tiết trời buốt giá. Thời tiết bây giờ đang vào độ ẩm ương mưa nắng thất thường để chuẩn bị làm một cú trở mình bước sang mùa đông lạnh giá. Nhắc về mùa đông, ta lại nhớ đến những làn sương khói mờ ảo, cái giá lạnh đến tê tái tim gan, những cơn mưa buồn mang mác, những cơn gió mùa lạnh lẽo, cái không khí tĩnh lặng, ảm đạm mà không mùa nào có thể có được.
Và đặc biệt, có một thứ mà chúng ta không thể không nhắc đến khi nói về những ngày đông giá rét, đó chính là các món ăn vặt đặc trưng của mùa này. Không biết từ bao giờ, thưởng thức những món ăn ấm nóng trong tiết trời buốt giá, tái tê lạnh lại trở thành một cái thú mà con người ta không thể thiếu được. Phải chăng, người ta đang muốn tìm kiếm một thứ gì đó để sưởi ấm cho bản thân khỏi những cô đơn, trống trải nơi tâm hồn mình?
Sau đây Thủ Đô Hà Nội sẽ giới thiệu đến các bạn những món ăn vặt rất riêng mà khi nghe tên các bạn có thể nhận thấy được mùa đông về và cách làm những món ăn này ngay tại nhà. Cùng khám phá ngay sau đây nhé.
Cháo sườn
Cháo sườn là một món ăn vô cùng quen thuộc hằng ngày đối với nhiều người. Cháo sườn có quanh năm nhưng khi thưởng thức món ăn này vào một ngày trời đông rét buốt, ta sẽ cảm tưởng như nó ngon và hấp dẫn hơn gấp bội phần. Chẳng cần cao lương mĩ vị gì cao sang, khi thời tiết chuyển lạnh, chỉ cần ngồi ở một quán ven đường, trên tay cầm một bát cháo sườn nóng hổi, sánh mịn ăn cùng với quẩy nóng cùng một ít ruốc, hành phi, trứng cút ở trên, thì chẳng còn gì có thể tuyệt vời hơn được nữa.
Nguyên liệu
- Sườn non: 500gr
- Xương cổ: 500gr
- Hành tây: 2 củ
- Gừng: 1 củ
- Hành tím băm nhuyễn
- Nếp: 100gr
- Gạo: 300gr
- Bột gạo: 100gr
- Hành, Ngò
Cách làm
– Làm hành phi:
Hành tím rửa sạch, thái lát mỏng rồi cho vào phi đến khi vàng tới thì vớt ra. Lưu ý đừng để hành vàng quá sẽ dễ bị cháy.
– Làm phần thịt xương, sườn:
Sườn non và xương cổ rửa sạch, cắt khúc rồi cho vào nồi nước đang sôi luộc sơ qua cùng 1 củ hành và 1 củ gừng, ¼ muỗng café muối. Lưu ý hành và gừng các bạn có thể nướng trước khi cho vào cho thơm. Sau khi luộc sơ qua ta vớt sườn và xương ra rửa bằng nước lạnh.
Phần xương cổ chúng ta tách phần thịt ra khỏi xương rồi dùng phần xương hầm với lửa nhỏ cùng một nồi nước khoảng 2 tiếng cho ngọt nước, thỉnh thoảng vớt bọt. Sau khi hầm xong chúng ta nêm với 1 muỗng café nước mắm, 1 muỗng café muối rồi cho phần sườn non vào nồi nước dùng cùng 1 củ hành, ngò, thỉnh thoảng vớt bọt.
Tách thịt xương cổ
Phần thịt xương cổ thì chúng ta băm nhuyễn hoặc xay nhỏ rồi ướp cùng một ít hành tím băm nhuyễn, một ít gừng, 1 muỗng café hạt nêm, 2 muỗng café nước mắm, một ít bột ngọt, một ít tiêu, 1 muỗng café đường, 2 muỗng café dầu ăn rồi dùng chảo phi hành lúc trước để xào phần thịt xương băm nhuyễn đến khi thịt chín thì chúng ta nêm nếm lại cho vừa khẩu vị ăn.
– Làm phần cháo:
Vo sạch gạo và nếp rồi ngâm trong nước khoảng 1 tiếng. Sau đó đem xay gạo và nếp trong máy xay cho mịn rồi đổ ra nồi.
Cho 800ml nước vào nồi và khuấy đều để tan hết phần bột rồi bật bếp đun đến khi cháo sệt lại. Khi nồi cháo sôi lại thì hòa tan 100gr bột gạo cùng với nước rồi cho từ từ vào nồi cháo khuấy đều khoảng nửa tiếng.
Sau khi cháo sánh mịn thì ta cho phần sườn non vào, nêm cùng 1 muỗng café muối, 1 muỗng café hạt nêm, 1 muỗng café bột ngọt, 1 muỗng canh nước mắm, 1 muỗng café đường.
Cho phần thịt xay ra tô sau đó rưới phần cháo sườn lên trên, rồi rắc thêm một ít hành, ngò, hành phi và thưởng thức khi cháo đang còn nóng.
Bánh trôi tàu
Đây là một món ăn dường như sinh ra để dành cho mùa đông vậy. Cầm trên tay bát bánh trôi tàu khói bay nghi ngút, ta có cảm tưởng mùa đông có phần ấm áp, nồng đượm hơn gấp bội phần. Nguyên liệu để làm nên bánh trôi tàu đều rất giản đơn, có thể tìm thấy hằng ngày xung quanh ta. Nhưng điều làm nên sự đặc biệt ở món ăn này chính là sự kết hợp của các hương vị khác nhau, đó là vị dẻo tan mềm mịn của vỏ bánh, vị bùi bùi, ngọt ngọt của phần nhân kết hợp với phần nước đường dịu nhẹ, phảng phất vị gừng cùng phần cốt dừa, động phộng rang béo ngậy. Tất cả đã tạo thành một món ăn khiến ai cũng phải nhớ về mỗi khi thời tiết chuyển lạnh.
Nguyên liệu
- Vừng đen rang sẵn xay nhuyễn: 180gr
- Đậu phộng rang xay nhuyễn: 50gr
- Đường trắng: 50gr
- Đường vàng: 80gr
- Gừng bào sợi, Dừa bào sợi
- Bột nếp: 250gr
- Bột gạo: 30gr
- Bột năng: 30gr
- Nước cốt dừa: 250 ml
- Nước cốt nhanh: ½ muỗng cafe
Cách làm
– Làm vỏ bánh:
Trộn đều ba loại bột nếp, bột gạo, bột năng vào một cái tô rồi cho 115ml nước ấm tư từ vào hỗn hợp, vừa cho vừa trộn đều
Sau đó cho thêm 115 ml nước ấm vào từng chút một, vừa cho vừa nhào bột đều đến khi bột mềm thành một khối, thì dùng màng bọc thực phẩm bọc lại, cho bột nghỉ khoảng 10 phút.
– Làm phần nhân:
Cho lên chảo phần mè đen xay nhuyễn, 250 ml nước cốt dừa, 50gr đường trắng rồi nấu đến khi phần nhân sệt lại
Để nguội rồi vo phần nhân này lại thành các viên tròn rồi bọc màng bọc thực phẩm, cho vào ngăn mát tủ lạnh khoảng 30 phút đến 1 tiếng.
– Làm bánh trôi:
Bột nếp chia thành từng phần nhỏ rồi cán mỏng ra, cho phần nhân vào trong rồi bọc lại, vê thành các viên tròn.
Đun chảy 80gr đường vàng ở trên bếp với lửa vừa phải và để đường không cháy thì chúng ta không được dùng đũa khuấy đều mà chỉ hơi lắc nhẹ nồi. Đến khi đường chuyển màu nâu như ý chúng ta cho thêm nước vào, đun đến khi đường tan hết.
Cho ½ muỗng café nước cốt chanh vào cho thơm và thả phần bánh trôi vào nấu cùng nồi nước đường này. Đến khi nước sôi lại thì cho phần gừng bào sợi vào nấu thêm khoảng 5 phút nữa.
Cho phần bánh và nước đường, gừng bào sợi ra tô. Rắc lên trên thêm một ít vừng đen, đậu phộng rang và dừa bào sợi rồi thưởng thức.
Ốc luộc
Vào những ngày đông lạnh giá thì chắc hẳn ai ai cũng sẽ phải kéo nhau đi thưởng thức ngay món ăn nóng hổi này. Dĩa ốc khi ăn còn tỏa khói nghi ngút, thơm lừng vị chanh, sả, ớt, nhưng điều đặc biệt, tinh túy của món ăn này lại nằm ở phần nước chấm được pha với công thức đặc biệt chua chua, cay cay, ngọt ngọt. Giữa cái tiết trời se lạnh của buổi đầu đông, ngồi cùng đám bạn thân bên đĩa ốc nóng, nem chua rán, nói về đủ thứ chuyện trên trời dưới đất, chính là một loại hạnh phúc mà khó có thể diễn tả được.
Nguyên liệu
- Ốc mít hoặc bất kì loại ốc nào bạn thích: 2kg
- Chanh, sả, ớt, tỏi, lá chanh
- Nước mắm, đường, muối hạt
Cách làm
– Ngâm ốc trong nước vo gạo khoảng 1 đến 2 tiếng rồi rửa sạch lại bằng nước lạnh và cho ốc vào nồi
– Sả đập dập, cắt thành các khúc rồi cho vào nồi ốc cùng với 2 quả ớt, một ít lá chanh, muối hạt rồi trộn đều
– Đổ vào nồi một ca nước, chỉ xăm xắp phần ốc rồi đậy kín vung lại luộc khoảng 15 đến 20 phút. Trong thời gian luộc các bạn không được mở vung.
– Sau khoảng 15 phút thấy ốc sôi rồi chúng ta mở vung, trộn đều ốc cho ốc chín và ngấm gia vị. Luộc thêm một lúc nữa thì tắt bếp. Lưu ý không luộc ốc chín quá ốc sẽ bị mềm, nhũn, ăn không ngon.
– Làm nước chấm: Cho 2 muỗng canh đường cùng tỏi và ớt, sả băm nhuyễn vào cối rồi bằm nhuyễn. Cho 250ml nước vào hỗn hợp này rồi hòa tan và cho khoảng 5 muỗng canh nước mắm vào, tiếp đến cho thêm ½ muỗng canh nước cốt chanh vào.
Mì cay Hàn Quốc
Những quán mì cay Hàn Quốc thường là địa điểm tụ tập yêu thích của nhiều bạn trẻ và đây một món ăn vặt từng gây bão suốt một thời gian dài. Đặc biệt là vào những ngày mùa đông giá lạnh, những tô mì cay nóng hổi, cay xé lưỡi luôn thu hút một lượng lớn người đến thưởng thức và cảm nhận sự ấm nóng của từng hương vị món ăn trong tô.
Nguyên liệu
- 1 gói mì Hàn Quốc hoặc mì gói bình thường cũng được
- Kim chi: 100gr
- Nấm kim châm, bắp cải tím, bông cải xanh
- Xúc xích
- Tôm: 5 con
- Thịt bò cắt lát: 50 gr
- Xiên rau, củ quả, bò viên tùy thích
- Hạt nêm, Đường, Tỏi băm nhuyễn, Ớt bột
- Tương ớt Hàn Quốc
Cách làm
– Bông cải xanh, Nấm kim châm, Bắp cải tím rửa sạch, cắt nhỏ
– Cho một ít dầu vào nồi rồi phi thơm phần tỏi đến khi vàng đều thì cho kim chi vào xào khoảng 2 phút. Lưu ý chừa phần nước kim chi lại không cho vào xào.
– Sau đó ta cho một ít nước vào, nêm vào thêm 3 muỗng tương ớt Hàn Quốc, 2 muỗng ớt bột, 1 muỗng đường, 2 muỗng hạt nêm, cho nước kim chi vào rồi đun đến khi sôi lên thì nêm nếm lại phần nước dùng này cho vừa miệng
– Tiếp đến cho toàn bộ phần nguyên liệu gồm tôm, thịt bò, xúc xích, viên xiên vào. Sau đó cho thêm nấm kim châm, bắp cải tím, bông cải xanh vào. Nấu thêm một lúc thì cho mì tôm vào. Vậy là món mì cay của chúng ta đã hoàn thành rồi.
Vẻ đẹp của mùa đông ngoài việc được nắm tay người mình yêu thương băng qua từng góc phố nhỏ, tận hưởng cái se lạnh của tiết trời, của từng cơn gió mùa rét buốt, thì điều tuyệt vời nhất là được lân la hàng quán quen thuộc, thưởng thức từng món ăn nóng hổi, thơm phức, khói bay nghi ngút ngắm phố phường lặng lẽ trôi. Những món ăn vặt mùa đông từ lâu đã trở thành một hương vị, một thứ gì đó rất đặc trưng không thể thiếu được. Nghe mùa đông về, người ta thường dắt tay nhau đi ăn cháo sườn nóng, ốc luộc, bánh trôi tàu, mì cay… như là một thứ “đặc sản”, một cái thú vui lâu năm mỗi khi thời tiết chuyển lạnh.
Hi vọng với những gì mà chúng tôi chia sẻ trên đây sẽ giúp bạn có thể tự làm những món ăn vặt quen thuộc để sưởi ấm cho bản thân và gia đình mình qua mùa đông rét buốt sắp tới. Chúc bạn thành công.