Bún chả Hà Nội – Món ăn tinh tế không thể chối từ của mảnh đất Kinh Kỳ

Trong cuốn “Hà Nội 36 phố phường”, nhà văn Thạch Lam đã từng viết về sự hấp dẫn của món bún chả như sau:

“… Có một ông đồ cuồng chữ ở nhà quê, một hôm khăn gói lên Hà Nội đã ứng khẩu đọc hai câu thơ khi ngửi thấy mùi khói chả: Ngàn năm bửu vật đất Thăng Long/ Bún chả là đây có phải không?”

Hà Nội có trên 15 món bún khác nhau, nhưng món bún luôn được người ta nhắc đến đầu tiên khi nhớ về mảnh đất này đó là món bún chả. Không biết từ bao giờ, cũng chả thể lý giải được tại sao món ăn bình dị, dân dã này lại có một vị trí, một chỗ đứng đặc biệt đến vậy trong lòng người dân xứ Hà Thành, chỉ biết là bất cứ ai khi nhớ về Hà Nội, về một thủ đô nghìn năm văn hiến đều không thể không nghĩ về hình ảnh bát bún chả nghi ngút khói tỏa, thơm phức cả một góc đường. Bún chả đã đi sâu vào nếp sống văn hóa của người dân Hà Thành, trở thành một món ăn không thể thiếu đối với con người nơi đây. Sau đây, hãy cùng chúng tôi tìm hiểu sâu hơn về món ăn đặc biệt này nhé.

Không phải ngẫu nhiên mà tổng thống Mỹ Barack Obama và người đầu bếp tài hoa Anthony Bourdain lại chọn bún chả là điểm đến để dùng bữa trong chuyến công du tới Việt Nam của mình. Hình ảnh một người là chính trị gia hàng đầu, một người là đầu bếp hàng đầu ngồi trên những chiếc ghế nhựa bình dân, uống bia hơi, ăn bún chả đã chứng minh được sức hút cực kỳ phi thường của món ăn đặc biệt này.

Bún chả Hà Nội
Bún chả Hà Nội

Bún chả là đặc trưng của tinh hoa ẩm thực, của con người, mảnh đất Hà Thành. Ở đấy, ta có thể tìm thấy chút hào hoa, phong nhã, tinh tế lại vừa bình dị, dân dã mộc mạc của thủ đô. Dù cuộc sống có nhiều thay đổi, nhiều món ăn Âu Á, nhiều cao lương mỹ vị có ở khắp nơi, nhưng biết bao đời nay, từ thế hệ này đến thế hệ khác, bún chả vẫn luôn là món ăn hàng đầu, không thể thay thế trong trái tim của mỗi người Hà Nội. Bún chả tồn tại như là một phần của những nét xưa cũ, của những giá trị văn hóa truyền thống tốt đẹp của thủ đô còn tồn tại, được gìn giữ đến tận ngày nay.

Dạo một vòng quanh khắp phố phường Hà Nội, hẳn bạn sẽ buộc phải dừng chân bởi những hàng bún chả nghi ngút khói tỏa, ngào ngạt hương thơm khiến bất cứ ai cũng không thể chối từ. Cái mùi hương đầy đặc trưng của than hoa lẫn vào với hương thơm mỡ hành cùng hương vị thịt nướng xèo xèo hòa tan trong không khí, khiến bao người con xa quê không khỏi thổn thức mỗi khi nhớ về Hà Nội.

Nhà văn Vũ Ngọc Phan đã từng nhắc về thứ mùi hương đặc biệt đó trong tác phẩm của mình rằng:

“Hàng bún chả đỗ đâu là thơm nức ở đó, cô hàng bún chả quạt chả trên than hồng đựng trong cái hộp sắt tây, chả cháy xèo xèo, khói bay nghi ngút. Có ba xu hoặc năm xu là đã được ăn bún chả thơm ngon, nhà làm thì tốn hơn và kềnh càng lắm”

Ăn bún chả là cả một nghệ thuật, đòi hỏi sự tinh tế, cầu kỳ, tỉ mẩn của người dân xứ Kinh Kỳ. Bún chả phải được ăn vào lúc giữa trưa, trong không gian phố phường ngập tràn khói tỏa mới có thể cảm nhận được hết hương vị của món ăn này. Đây đã trở thành một nét văn hóa, nếp sinh hoạt khó bỏ của người dân xứ Hà Thành. Thứ nước chấm đầy tinh tế, thanh nhã của bún chả vào mùa hè sẽ được để nguội rồi múc cho khách, mùa đông sẽ được hâm nóng ấm nồng rồi mới đem ra để thưởng thức. Tưởng chừng là một món ăn đơn giản, nhưng trong món ăn này hội tụ cả năm yếu tố: Kim, Mộc, Thủy, Hỏa, Thổ, là tinh hoa của ẩm thực Hà Thành biết bao đời nay.

Bún chả thoạt nhìn là một món ăn vô cùng dân dã với những nguyên liệu bạn có thể dễ dàng tìm thấy ở bất kỳ nơi đâu trong cuộc sống thường ngày. Nhưng để làm ra một bát bún chả ngon đúng điệu là cả một nghệ thuật ẩn giấu đằng sau đó. Bún để ăn bún chả phải là thứ sợi bún dai mềm, trắng thơm lấy từ làng Phú Đô, rau ăn cùng là loại rau húng Láng.

Chả trong bún chả có hai loại là chả viên và chả miếng, cả hai loại này đều phải được nướng, tẩm ướp sao cho vừa giữ được độ mềm, vừa có được độ đậm đà. Chả miếng được làm từ thứ thịt ba chỉ đủ mỡ đủ nạc, đem ướp qua đêm cho ngấm gia vị rồi mới nướng, chả viên thì lại được làm từ thịt nạc vai lợn băm hoặc xay nhuyễn, ướp cùng chút gia vị, hành băm, mỡ nước vo thành viên tròn, ấn thành miếng dẹt, rồi đặt lên vỉ nướng. Chả phải được nướng trực tiếp trên bếp than hoa, đòi hỏi phải có chút khéo léo, tay nghề để có được độ cháy sém vừa phải, màu sắc và mùi hương đúng chuẩn.

Tinh hoa của món ăn này nằm ở thứ nước chấm màu hổ phách cực kỳ thanh nhã, tinh tế. Không đậm đà như bún thịt nướng ở miền Nam, bún chả Hà Nội mang một chút gì đó nhẹ nhàng, dịu dàng hơn rất nhiều. Thứ nước chấm này được pha chế dưới bàn tay đầy hào hoa, phong nhã của người dân xứ Hà Thành, là sự kết hợp của nước mắm, đường, dấm, tỏi, ớt, hạt tiêu… theo một công thức gia truyền riêng biệt, là linh hồn của món ăn này.

Cách làm bún chả Hà Nội ngon đúng điệu

Bún chả Hà Nội là một món ăn thoạt nhìn thì có vẻ đơn giản nhưng để ngon và chuẩn vị thì đó là cả một sự tỉ mẩn, cầu kỳ cũng như đòi hỏi sự khéo léo, tinh tế riêng. Sau đây, Thủ Đô Hà Nội sẽ hướng dẫn cho các bạn cách làm món bún chả Hà Nội thơm ngon đúng chuẩn nhất

Nguyên liệu và gia vị

– Thịt ba chỉ và thịt nạc vai: 1200 gram chia làm hai phần

– Hành tím và tỏi băm nhuyễn

– Gia vị: Nước mắm, dầu hào, dầu hành, bột ngọt, đường vàng, tiêu, nước tương, muối, giấm

– Rau thơm các loại

– Cà rốt, Su hào: 500 gram

– Bún

Cách làm

– Phần thịt ba chỉ chúng ta sẽ đem thái thành những miếng vừa ăn, phần thịt nạc vai chúng ta sẽ xay nhuyễn hoặc băm nhỏ.

– Sau đó ướp hai phần thịt trên với mỗi bên 2 muỗng canh nước mắm, 1 muỗng canh dầu hào, 2 muỗng canh dầu hào, tiêu, ½ muỗng café bột ngọt, 1 muỗng café đường vàng, 1 muỗng café nước tương, hành tỏi băm nhuyễn rồi trộn đều và chờ trong vòng 15 đến 20 phút để ngấm gia vị. Khác với bún thịt nướng miền Nam, gia vị tẩm ướp thịt của món bún chả không hề có ngũ vị hương.

– Rau thơm các loại: Tía tô, xà lách, húng, dưa leo… rửa sạch rồi đem ngâm với nước muối loãng khoảng 15 phút. Sau đó rửa sạch lại rồi để ráo.

– Su hào và cà rốt thái lát mỏng rồi muối bằng 6 muỗng canh dấm, 1 muỗng café muối, 1 muỗng canh đường, tiêu sau đó trộn đều rồi để ngâm trong vòng 15 đến 20 phút

– Đun sôi khoảng 250 ml nước, 3 muỗng canh đường vàng đến khi đường tan hết ra. Sau đó cho vào thêm 4 muỗng canh nước mắm rồi đun tiếp cho đến khi sôi trở lại.

– Phần thịt nạc vai các bạn hãy làm thành các viên hình tròn dẹt mỏng rồi cho lên vỉ nướng cùng phần thịt ba chỉ đã tẩm ướp từ trước. Chúng ta có thể nướng trên than hoa, lò nướng hoặc có thể chiên hai mặt trên chảo rán, tuy nhiên, để bún chả ngon đúng điệu, thì ta phải nướng chả trên than hoa để thịt có mùi vị ngon hơn. Trong lúc nướng, ta cần chú ý quết lên lớp chả một lớp dầu để thịt không bị khô. Nướng và quạt lửa đều tay đến khi hai mặt lớp chả chín đều, vàng ươm, hơi cháy cạnh.

– Cho thịt nướng, đồ chua vào phần nước chấm, có thể thêm chút tỏi ớt tùy thích.

– Thưởng thức:

Cách 1: Người Hà Nội thường cho bún chấm ngập vào phần nước chấm đầy ắp thịt nướng, thêm chút rau thơm rồi thưởng thức

Cách 2: Đây là biến tấu trong cách thưởng thức bún chả Hà Nội, người ta cho phần thịt, bún và rau ra một tô riêng rồi rưới phần nước chấm lên trên

Cách 3: Gắp phần bún, thịt nướng, rau rồi chấm vào phần nước chấm để thưởng thức.

Các quán bún chả nổi tiếng ở Hà Nội

Nếu như bạn quá bận rộn hay không có đủ điều kiện để có thể tự mình chế biến món bún chả, hay là bạn muốn có dịp nếm thử món ăn đặc sản này khi đến với thủ đô, thì những địa chỉ nổi tiếng sau đây sẽ là những gợi ý đầy bổ ích dành cho bạn.

  • Bún chả Hương Liên (Bún chả Obama) – 24 Lê Văn Hưu, Hai Bà Trưng, Hà Nội

Giá cả: 40.000 đến 60.000 đồng

  • Bún chả Hàng Quạt – Ngõ 74 Hàng Quạt, Hoàn Kiếm, Hà Nội

Giá cả: 20.000 đến 45.000 đồng

  • Bún chả Tuyết – 34 Hàng Than, Ba Đình, Hà Nội

Giá cả: 35.000 đến 55.000 đồng

  • Bún chả Sinh Từ – 316 Phố Vọng, Hai Bà Trưng, Hà Nội

Giá cả: 20.000 đến 40.000 đồng

  • Bún chả Đắc Kim Hàng Mành – Số 1 Hàng Mành, Hoàn Kiếm, Hà Nội

Giá cả: 20.000 đến 150.000 đồng

Bún chả Hà Nội là một trong số các đặc sản nổi tiếng của Việt Nam, bên cạnh phở, bánh mì được bạn bè khắp nơi trên thế giới vô cùng ưa thích. Sức hấp dẫn của món ăn bình dị, đơn giản này thật khó để có thể giải thích thành lời, chỉ biết rằng khi nhắc về Việt Nam, nhắc đến một thủ đô cổ kính nghìn năm văn hiến, người ta vẫn luôn nhớ về hình ảnh món ăn này như một đại diện cho nét văn hóa ẩm thực truyền thống đầy tinh túy, hào hoa lâu đời của người dân Hà Thành. Có dịp đến với thủ đô Hà Nội, bạn hãy đừng quên nếm thử món đặc sản đầy đặc trưng này nhé.

Bài viết liên quan